Thang máy (The Lift) là bộ phim kinh dị duy nhất của Việt Nam được công chiếu tại thời điểm này. Đã rất lâu rồi điện ảnh Việt mới có một tác phẩm kinh dị ra rạp, nên rất nhiều khán giả kỳ vọng đây sẽ là bộ phim hấp dẫn khép lại tháng 10 nhiều biến động.
Thang máy được lấy cảm hứng từ trò chơi tâm linh The Elevator Game có nguồn gốc từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Người chơi sẽ phải đến một tòa nhà có ít nhất 10 tầng, sau đó đi thang máy một mình vào đêm khuya, những người chiến thắng sẽ được đưa đến một thế giới khác, sau đó quay trở lại.
Đánh giá về nội dung phim
Bộ phim là câu chuyện xoay quang Trang – Ngọc – Jina, họ là bộ ba thân thiết khi học chung trường đại học. Một năm trước Jina mất tích khi đang tham gia một trò chơi trong thang máy và livestream cho mọi người cùng theo dõi, không ai có thể tìm thấy Jina cũng như điện thoại của cô. Cho đến một năm sau, khi dượng Sơn – chồng mới của mẹ Trang đến tòa nhà Jina đã mất tích để tìm tung tích cô, Trang nhận được tin và mất liên lạc với dượng Sơn thì Ngọc quyết định sẽ đến cứu dượng Sơn và rủ rê thêm cả Trang vào cuộc.
Tòa nhà cũ bỏ hoang mà dượng Sơn mất tích là nơi ông đã làm việc trước đó, cũng là nơi khiến Trang bị ám ảnh khi đi thang máy vì sự xuất hiện của một người phụ nữ bí ẩn với khuôn mặt đáng sợ. Trang luôn rất sợ khi đi thang máy, chính vì vậy cô đã từ chối khi Ngọc rủ tham gia trò chơi, nhưng cuối cùng vì sự mất tích của Ngọc mà Trang bị ép buộc phải chơi trò chơi để tìm Ngọc và dượng Sơn.
Mô-tuýp câu chuyện của Thang máy không mới, đã từng gặp trong rất nhiều bộ phim kinh dị của nước ngoài được công chiếu trước đó. Hơn thế nữa kịch bản của bộ phim đã được đạo diễn Peter Mourougaya viết cách đây 5 năm trước, vậy nên Thang máy hoàn toàn không tạo được bất ngờ cho khán giả khi theo dõi phim.
Kịch bản của Thang máy theo đánh giá chủ quan của Touch Cinema chưa thực sự tốt, các tình tiết trong phim chưa kết nối tốt được với nhau, cách triển khai câu chuyện còn khá gượng, chưa đẩy lên được cao trào và cái kết khá hụt hẫng. Vậy nên bộ phim chỉ phù hợp để giải trí nhẹ nhàng khi có thời gian rảnh rỗi.
Yếu tố kinh dị của bộ phim khá nhẹ nhàng, chủ yếu đánh vào tâm lý của nhân vật chính là Trang. Một vài cảnh hù dọa có thể khiến những bạn gái yếu tim hơi giật mình một chút, nên các bạn hoàn toàn có thể đến rạp để theo dõi phim mà không lo sẽ bị ám ảnh khi bước ra khỏi rạp.
Đánh giá về diễn viên và diễn xuất
Sau Lời nguyền huyết ngải (2012), đây là bộ phim kinh dị thứ hai mà Yu Dương góp mặt. Với gương mặt lạnh lùng, ít cười Yu Dương thể hiện khá tốt vai diễn của mình, tuy nhiên do điểm yếu về phần kịch bản, nên nữ diễn viên chưa có thể phô diễn rất cả những kỹ năng diễn xuất của mình.
Các tuyến nhân vật khác trong phim có thời lượng xuất hiện khá ít, nên để đánh giá diễn xuất của các diễn viên phụ rất khó để đánh giá chính xác.
Đánh giá về âm thanh và hình ảnh
Phần lớn những khung hình trong Thang máy đều chìm trong bóng tốt, có khá ít khung hình đủ sáng. Sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối, những cảnh sử dụng tông sáng màu đỏ và xanh được xử lý khá tốt, góp phần mang đến cảm giác rùng rợn, bí ẩn cho khán giả. Phần âm thanh ở mức trung bình, chưa tạo được điểm nhấn bổ trợ cho nội dung phim; nếu phần âm thanh được xử lý tốt hơn thì bộ phim chắc sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều.
Thang máy hiện đang được công chiếu tại Touch Cinema. Chúc các bạn xem phim vui vẻ, và đừng quên tham gia Group review phim của Touch để cùng trao đổi thêm về bộ phim này nhé.